Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Philippines và Ấn Độ nằm trong số những nước đang phát triển có tỷ lệ béo phì và suy dinh dưỡng cao.
Trong báo cáo mới đây, FAO cho biết vấn đề béo phì và thừa cân đã trở nên phổ biến trên toàn cầu và gia tăng trong tất cả các khu vực, tăng từ 24% đến 34% ở người lớn trong giai đoạn 1980-2008 và tăng gấp đôi ở trẻ em từ 6% lên 12%.
Kết quả cuộc khảo sát năm 2011 của Viện nghiên cứu thực phẩm và dinh dưỡng Philippines (FNRI) cho thấy 22,3% người lớn ở nước này thừa cân và 6,1% là béo phì.
Dự kiến, tỷ lệ thừa cân ở Philippines sẽ tăng đáng kể vào năm 2015.
FNRI cho biết, nếu xu hướng này tiếp tục gia tăng, rất có khả năng nhiều người sẽ mắc các bệnh có nguy cơ cao có thể dẫn đến tử vong.
Theo FNRI, có nhiều yếu tố dẫn đến béo phì ở các nước đang phát triển như Philippines, trong đó yếu tố hàng đầu là tăng giá lương thực trong nước và thế giới đã buộc người dân tăng cường mua thực phẩm chế biến không có lợi cho sức khỏe thay vì mua thực phẩm bổ dưỡng và chuẩn mực nhưng đắt tiền.
Thực phẩm chiếm một phần đáng kể trong chi tiêu của các hộ gia đình nghèo ở các nước nghèo. Ở Philippines, chi tiêu cho lương thực thực phẩm chiếm đến 63% thu nhập của một người.
FNRI cũng cảnh báo rằng béo phì là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với bệnh tiểu đường tuýp 2. Béo phì cũng làm trầm trọng thêm bệnh tăng huyết áp và làm tăng mức độ cholesterol trong máu (những yếu tố chính dẫn đến các cơn đau tim và đột quỵ).
Tỷ lệ bất lực và vô sinh ở nam giới thừa cân là cao hơn so với những người bình thường, trong khi đó, phụ nữ béo phì có tỷ lệ rối loạn kinh nguyệt, vô sinh và mang thai phức tạp hơn so với những phụ nữ bình thường.
Béo phì cũng liên quan tới các bệnh như ung thư vú, tử cung, cổ tử cung, buồng trứng và túi mật ở phụ nữ, và đại tràng, trực tràng, tuyến tiền liệt, tuyến tụy và dạ dày ở nam giới, FNRI cho biết./.
Kim Dung/Kuala Lumpur (Vietnam+)